CÔNG NGHỆ XỬ LÝ KHÍ THẢI LÒ HƠI
1. Đặc điểm khí thải lò hơi.
Ngày nay, lò hơi được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp, mỗi ngành công nghiệp đều có nhu cầu sử dụng nhiệt với mức độ và công suất khác nhau. Lò hơi có thể được cấp nhiệt từ nhiều nguồn khác nhau, tùy vào đặc thù ngành ví dụ như công ty may mặc, công ty giặt khô sử dụng lò hơi để cung cấp hơi cho hệ thống cầu là, các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy bánh kẹo, sử dụng lò hơi để sấy sản phẩm. Một số nhà máy sử dụng lò hơi để đun nấu, thanh trùng như nhà máy nước giải khát, nhà máy nước mắm, tương hay dầu thực vật...
Lưu lượng và thành phần khói thải phụ thuộc vào các nguyên liệu cấp cho lò hơi như củi, than đá, dầu FO.
+ Khói thải lò hơi đốt củi chủ yếu là các khí CO2, CO, N2, kèm theo một ít các chất bốc trong củi không kịp cháy hết, oxy dư và tro bụi bay theo dòng khí.
+ Khói thải lò hơi đốt than đá chủ yếu mang theo khói, tro bụi, CO2, CO, SO2, SO3 và NOx do thành phần hoá chất có trong than kết hợp với ôxy trong quá trình cháy tạo nên.
+ Khói thải lò hơi đốt dầu FO chủ yếu là các chất sau: CO2, CO, NOx, SO2, SO3 và hơi nước, ngoài ra còn có một hàm lượng nhỏ tro và các hạt tro rất nhỏ trộn lẫn với dầu cháy không hết tồn tại dưới dạng son khí mà ta thường gọi là mồ hóng.
2. Sơ đồ công nghệ.
3. Thuyết minh sơ đồ công nghệ.
Khí thải lò hơi chứa các tác chất ô nhiễm chủ yếu là: tro, muội than, Hydrocacbon (CxHy) cháy không hoàn toàn và các khí như: CO2, NOx, CO, SO2 … sinh ra trong quá trình phản ứng được quạt hút đưa vào hệ thống xử lý. Tại đây, dòng khí đi qua bể tản nhiệt trước khi vào Cyclon.
Dòng khí và bụi được quạt hút đưa vào cyclon theo phương tiếp tuyến, dưới tác dụng của lực ly tâm các hạt bụi có kích thước lớn sẽ va chạm vào thân thiết bị và mất quán tính rơi xuống đáy Cyclon định kỳ được làm sạch và chứa vào kho chứa.
Sau khi được tách bụi, dòng khí được đưa vào tháp hấp thụ. Trong tháp hấp thụ dòng khí sẽ được phân bố vào thiết bị ở phía dưới và dòng dung dịch hấp thụ sẽ được phân bố theo chiều từ trên xuống. Dung dịch này được bơm ly tâm vận chuyển từ bể chứa dung dịch hấp thụ, qua bộ phân phối tạo thành những giọt lỏng kích thước nhỏ, phun đều vào thiết bị.
Tháp có cấu tạo hai tầng, trong mỗi tầng đều có chứa vật liệu tiếp xúc với bề mặt riêng lớn và độ rỗng cao. Quá trình xử lý chia làm hai giai đoạn. Tại phần dưới của thiết bị xử lý, dòng khí và dung dịch hấp thụ tiếp xúc với nhau tại màng nước trên bề mặt vật liệu. Trước tiên các hạt bụi có kích thước bé sẽ bị thấm ướt và bị hút bởi các hạt chất lỏng và các thành phần ô nhiễm như SOx, CO…sẽ được hấp thụ một phần. Một quá trình khác diễn ra ở tầng thiết bị thứ nhất là trao đổi nhiệt. Dòng khí từ nhiệt độ cao sẽ nguội dần, quá trình khử triệt để các thành phần ô nhiễm sẽ diễn ra ở tầng trên của tháp.
Cơ chế loại bỏ các chất ô nhiễm ở tầng trên giống như tầng đáy thiết bị. Đó là quá trình hòa tan và chuyển hóa hóa học. Sau thời gian tiếp xúc phù hợp, các chất ô nhiễm như SOx, và một phần khí CO sẽ được loại bỏ.
Tiếp đó, khí thải sẽ được khử NOx bằng hệ thống khử NOx với chất khử là NH3 khan hoặc dung dịch Ure [(NH2)2CO].
Dòng khí sau khi ra khỏi thiết bị xử lý sẽ là khí sạch đạt các tiêu chuẩn môi trường theo QCVN 19:2009/BTNMT (cột A).
Bụi và các khí độc sau khi được hấp thụ và lắng xuống đáy thiết bị dưới dạng bùn cặn sẽ được tháo ra định kỳ về bể chứa bùn. Phần nước trong bên trên được tuần hoàn về lại thiết bị chứa dung dịch hấp thụ, sau một thời gian hoạt động sẽ được xả bỏ về HT XLNT và định kỳ bổ sung, thay mới.