Điểm mặt các dự án điện gió chậm tiến độ, sẽ bị thu hồi
Thứ Năm, 30/08/2018, 17:14:31
Font Size: | Print
Dự án Điện gió Đầm Nại đã đi vào hoạt động điện thương phẩm giai đoạn 1, sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.
NDĐT - Ngày 29-8, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức cuộc họp, nghe báo cáo và đưa ra hướng xử lý các dự án điện gió của những nhà đầu tư triển khai không bảo đảm tiến độ như cam kết, ảnh hưởng tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và gây bức xúc trong dư luận.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, trên địa bàn Ninh Thuận có 15 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 12 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất hơn 748 MW, có tổng vốn đăng ký là 22.577 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Phạm Văn Hậu, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên đến nay, chỉ có ba dự án, gồm: Dự án Điện gió Đầm Nại có công suất 40MW do Công ty CP Điện gió Đầm Nại (doanh nghiệp FDI, nguồn vốn Singapore) làm chủ đầu tư 1.523 tỷ đồng, xây dựng tại các xã thuộc hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc đã đưa ba tua-bin với công suất 6MW vào hoạt động giai đoạn một và đang thi công giai đoạn hai. Dự kiến, toàn dự án hoàn thành vào cuối năm 2018.
Nhà máy Điện gió Phước Dinh, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam có tổng công suất 37,6MW, tổng vốn đầu tư 1.472 tỷ đồng và Nhà máy Điện gió Trung Nam xây dựng tại huyện Thuận Bắc có công suất hơn 105 MW, vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng bảo đảm tiến độ.
Các dự án còn lại không bảo đảm tiến độ như đã cam kết. Nguyên nhân chính là do nhà đầu tư thiếu quyết tâm, cố tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian thực hiện.
Cụ thể, như: Dự án Nhà máy Điện gió Phước Hữu có công suất lắp đặt 50MW do Công ty CP Phát triển điện gió Phước Hữu đầu tư 1.495 tỷ đồng tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Mặc dù khởi công xây dựng từ tháng 10-2010 và nhà đầu tư cam kết đến tháng 12-2011 sẽ đưa nhà máy vào sản xuất điện thương phẩm. Nhưng đến nay, nhà đầu tư chỉ mới đổ đất san lấp mặt bằng trạm biến áp, chưa thi công các công trình khác; chưa ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; chưa hoàn tất thủ tục về xây dựng…
UBND tỉnh Ninh Thuận nhiều lần có văn bản nhắc nhở, đôn đốc, đồng thời đồng ý gia hạn tiến độ một lần. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng hai lần thông báo vi phạm tiến độ, Công ty này nhiều lần cam kết đẩy nhanh tiến độ nhưng không thực hiện được và tìm cách tránh né sự hợp tác với các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các thủ tục về thu hồi đất; chậm thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng…
Giám đốc Văn phòng Phát triển kinh tế Lê Thị Thanh Thủy, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự án Nhà máy Điện gió Phước Hữu chậm tiến độ đến 64 tháng; không thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án… nên từ giữa năm 2017, đơn vị đã tiến hành các thủ tục để chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Tương tự, Dự án Nhà máy điện Điện gió Công Hải 1 tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, do Tổng Công ty Phát điện 2 đầu tư từ nguồn kinh phí ngân sách của UBND TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ nghiên cứu công nghệ tua-bin hai hệ cánh đồng trục trên cơ sở chuyển giao công nghệ từ Nga, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 4-2017 và điều chỉnh lần thứ nhất vào tháng 1-2014.
Để giúp nhà đầu tư thực hiện mục tiêu, UBND tỉnh Ninh Thuận đồng ý chủ trương miễn ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án hàng chục tỷ đồng và gia hạn thời gian… Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn không bảo đảm tiến độ như đã cam kết. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thanh tra và xác định thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động dự án.
Bên cạnh đó, bốn dự án dự kiến khởi công trong năm 2018 và đầu 2019, gồm: Nhà máy Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1, công suất 30MW, do Công ty TNHH Hưng Tín đầu tư 1.200 tỷ đồng, xây dựng trên địa bàn huyện Ninh Phước; Nhà máy Điện gió Lợi Hải 2, công suất 30MW, do Công ty CP Phong điện Thuận Bình đầu tư 1.350 tỷ đồng, xây dựng tại huyện Thuận Bắc; Nhà máy Điện gió Win Energy Chiến Thắng, quy mô công suất 50MW, do Công ty TNHH Điện gió Chính Thắng đầu tư 1.970 tỷ đồng, xây dựng trên hai huyện Thuận Nam và Ninh Phước; Nhà máy Điện gió Phước Minh, công suất 27,3MW, do Liên doanh Công ty CP TSV và Công ty Adani của Ấn Độ đầu tư 965 tỷ đồng, xây dựng tại huyện Thuận Nam cũng chậm tiến độ. Các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều nguyên nhân tác động do khách quan, tuy nhiên thiếu luận cứ để thuyết phục.
Theo ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hưng Tín, nguyên nhân chậm tiến độ thực hiện Nhà máy Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 là do nhà đầu tư điều chỉnh thiết kế cơ sở, chưa có giấy phép được duyệt, chưa ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN... Nhưng UBND tỉnh Ninh Thuận xác định, công ty này đang loay hoay tìm đối tác tài chính, đã làm chậm tiến độ, có thể tỉnh sẽ thu hồi dự án.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận, Lê Ngọc Thạch phát biểu thẳng thắn, qua theo dõi, cho thấy nhiều nhà đầu tư thiếu quyết tâm thực hiện dự án. Việc các chủ đầu tư cho rằng, do thay đổi thiết kế cơ sở nên chậm tiến độ là không thuyết phục. Những dự án nào có thay đổi thiết kế, đề nghị UBND tỉnh trả lại hồ sơ cho nhà đầu tư để thẩm định, vì khi thiết kế cơ sở đã được duyệt, chứng tỏ đã hoàn tất việc đánh giá tác động môi trường. Theo luật, nếu thay đổi thiết kế thì phải có kết quả đánh giá tác động môi trường mới.
“Các chủ đầu tư nên hiểu, theo luật quy định, dự án được cấp đã lâu nhưng bây giờ mới thi công là phải có kết quả đánh giá lại tác động môi trường, mặc dù thiết kế cơ sở không thay đổi. Theo luật, kết quả đánh giá tác động môi trường có hiệu lực trong 24 tháng, nếu qua thời gian đó, dự án chưa thi công thì buộc phải có kết quả đánh giá lại tác động môi trường thì nhà đầu tư mới được thi công. Lâu nay, nhiều nhà đầu tư đều biết rõ điều này, nhưng tìm cách trì hoãn với lý do thay đổi thiết kế cơ sở là sai luật và thể hiện rõ sự thiếu quyết tâm đầu tư”, ông Lê Ngọc Thạch phân tích.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Pham Văn Hậu, qua kiểm tra, cho thấy các dự án chậm tiến độ là do nhà đầu tư thiếu quyết tâm thực hiện, chứ không phải do lỗi khách quan. Có nhà đầu tư thực hiện cùng lúc ba dự án, nhưng chậm tiến độ, tỉnh đã có chỉ đạo thu hồi từ một đến hai dự án và nhà đầu tư cam kết sẽ tập trung thực hiện dự án còn lại, tuy nhiên đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Để chấm dứt tình trạng này, sắp tới, UBND tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai hoặc không bảo đảm tiến độ để giao cho những nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và có quyết tâm đầu tư thật sự, tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và giải tỏa bức xúc dư luận tại địa phương.
“Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ trình và được Bộ Công thương phê duyệt tổng mức MW điện thương phẩm của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận nằm trong quy hoạch đấu nối vào lưới điện quốc gia theo từng giai đoạn. Nếu nhà đầu tư nào chậm hoàn thành dự án thì sẽ mất cơ hội này, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư”, ông Phạm Văn Hậu cho biết.
NGUYỄN TRUNG - http://www.nhandan.com.vn